Tích vào ô trên và bấm Gửi bạn nhé , để mọi người cùng giúp bạn
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân
Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất đã khẳng định Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân[1]. Đồng thời, Hiến pháp cũng đã xác định trách nhiệm của nhà nước là bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện[2]. Xuất phát từ bản chất nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Hiến pháp đã chỉ ra cách thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước. Điều 6 Hiến pháp quy định: Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Điều 83 Hiến pháp khẳng định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, theo Hiến pháp thì Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, nhưng Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.
Tính đại diện cao nhất của Quốc hội Việt Nam được thể hiện trên ba phương diện sau đây:
Quốc hội chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước nhân dân
Với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Quốc hội chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước nhân dân (người được đại diện) về việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Điều đó đã được thể hiện trong Hiến pháp. Cụ thể là đại biểu Quốc hội chịu sự giám sát của nhân dân[16]; chịu sự giám sát của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri[17].
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho nhân dân có thể giám sát được hoạt động của Quốc hội, Điều 66 Luật Tổ chức Quốc hội quy định Quốc hội họp công khai[18]. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín.
Trên thực tế, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội chịu sự giám sát của nhân dân thông qua việc bảo đảm cho nhân dân theo dõi quá trình làm việc của Quốc hội (như tham dự các phiên họp, truyền hình trực tiếp các phiên họp toàn thể của Quốc hội, đặc biệt là các phiên họp chất vấn của Quốc hội,...), thông qua việc đại biểu Quốc hội phải báo cáo hoạt động tại đơn vị bầu cử đã bầu ra mình.
Do Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị, quyết định theo đa số và nhiệm vụ chính của Quốc hội là lập pháp nên việc chịu trách nhiệm của Quốc hội trước nhân dân thường là trách nhiệm tập thể về các chủ trương, đường lối, chính sách được thể hiện trong các văn bản quy định pháp luật do Quốc hội ban hành. Trách nhiệm này của Quốc hội là trách nhiệm chính trị trước nhân dân.
Tuy các đại biểu Quốc hội không bị truy tố về lời nói hoặc biểu quyết ở Quốc hội, nhưng khác với một số nước trên thế giới như CHLB Đức, Úc, v.v.., ở Việt Nam, đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm khi đại biểu Quốc hội đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân[19]. Sự tín nhiệm của nhân dân ở đây có ý nghĩa quyết định không chỉ đối với việc tái cử mà cả đối với việc tiếp tục làm đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội đó.
Quốc hội thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao vì lợi ích của nhân dân
Qua cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, nhân dân cả nước lựa chọn những người có đức, có tài hợp thành Quốc hội (người đại diện) để thay mặt nhân dân (người được đại diện) thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Hiến pháp.
Với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Quốc hội được Hiến pháp xác định là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được giao ba chức năng quan trọng: lập hiến và lập pháp; quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân; giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước (bao gồm tất cả các hoạt động của nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp). Ba chức năng này đã được cụ thể hoá thành các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể tại Điều 84 Hiến pháp[9].
Với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Quốc hội có trách nhiệm cao cả là thay mặt nhân dân không chỉ thực hiện đúng và đầy đủ những nhiệm vụ quyền hạn được giao, mà còn phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Để làm được điều đó thì đại biểu Quốc hội phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, liên hệ chặt chẽ với cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan; xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó[10]. Các đại biểu Quốc hội phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân để quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Để góp phần bảo đảm cho Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thực hiện tốt thuộc tính đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước, Điều 4 Luật Tổ chức Quốc hội quy định Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số[11].
Ngoài ra, để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Hiến pháp đã quy định cho đại biểu Quốc hội có các quyền quan trọng như:
- Trình kiến nghị về luật và dự án luật ra trước Quốc hội[12];
- Chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm[13].
- Quyền không bị truy tố về hành vi do đại biểu Quốc hội thực hiện ngoài Quốc hội đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Theo đó, nếu không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội. Nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ, thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xét và quyết định[14];
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ và các cơ quan khác của nhà nước có trách nhiệm cung cấp tài liệu cần thiết mà đại biểu yêu cầu và tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ đại biểu.
Khác với pháp luật ở một số nước như Liên hiệp Anh, CHLB Đức, v.v.., Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hiện hành[15] không quy định đại biểu Quốc hội có quyền không bị truy tố vì phát biểu hoặc bỏ phiếu trong Quốc hội, mặc dầu cho đến này chưa có đại biểu Quốc hội nào bị truy tố vì lý do phát biểu hoặc bỏ phiếu trong Quốc hội.