Sữa Đặc Có Đường Ngôi Sao Phương Nam Xanh Lá là sản phẩm có hương vị ngọt nhất trong tất cả các dòng sữa đặc của Ngôi sao Phương Nam. Sữa đặc Ngôi sao Phương Nam hộp xanh lá thích hợp với tín đồ hảo ngọt. Sữa có độ sánh vừa phải, thích hợp để pha cà phê, làm bánh, chấm trực tiếp với bánh mì,...
Tạo ra những vùng đất xanh đáng sống
Trên thế giới hiện nay, có 5 vùng đất xanh (Blue Zones) – nơi con người sống khỏe mạnh và trường thọ. Trong khi đó, không biết bao nhiêu vùng đất xanh vốn có tự nhiên đã bị biến thành vùng đất bị nâu hóa (Brown Zones), khô cằn, ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất đai, khí hậu thay đổi bất thường, con người thiếu nguồn thực phẩm lành mạnh, bệnh tật luôn đe dọa cuộc sống.
Những vùng đất xanh đáng sống trên thế giới gồm:
Ikaria là vùng đất được dán nhãn Blue Zones. Ảnh: greektravel
Ikaria là một hòn đảo của Bắc Aegea, diện tích 255.303 km², dân số 8312 người. Địa hình là sự tương phản giữa những sườn đồi xanh tươi với những tảng đá trên các dốc cằn cỗi. Hầu hết các ngôi làng nằm ở những đồng bằng ven biển.
Theo trang web Blue Zones thống kê, cứ 3 người dân thì có 1 người sống đến 90 tuổi. Con số này đứng đầu về tỉ lệ người thọ nhất thế giới. Tỉ lệ những người mắc chứng bệnh mất trí và những bệnh mãn tính khác ở đây rất thấp.
Tờ Guardian cho biết, nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim mạch và trầm cảm ở Ikaria thấp hơn nhiều so với Mỹ. Còn theo National Geographic, ở Ikaria có rất nhiều đá granite, những vườn ô liu xanh tươi, những bãi biển đầy sỏi trắng và nước biển xanh ngắt, những làn gió mát từ biển cả…, đó là những điều kiện cần thiết và quan trọng để người Ikaria có một đời sống khỏe mạnh.
Alexandres, một người dân địa phương, nói rằng, những tia nắng mặt trời chiếu vào đá granite sẽ giải phóng magiê – một khoáng chất được ví như thuốc "chống trầm cảm", còn những dòng suối nước khoáng nóng có nhiều tác dụng chữa bệnh.
Người dân Ikaria ăn theo chế độ Địa Trung Hải. Những người sống trên 100 tuổi ăn nhiều khoai tây, dầu ô liu, uống sữa dê, ăn nhiều cá, ngũ cốc nguyên hạt, dùng trà thảo mộc (trà hương thảo, oregano (kinh giới cay), xô thơm…
Ioanna Chinou, chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về hoạt tính sinh học của các loại thảo mộc tự nhiên, cho biết người Ikaria uống trà thảo dược chữa được nhiều bệnh như gout, tiêu hóa và huyết áp.
Những người thọ nhất ở Ikaria thường sống ở những vùng cao nhất của đảo. Họ đi bộ trên những con đường cổ kính, quanh co để thăm bạn bè, rủ nhau ra quán cà phê hay rượu vang. Họ thường xuyên ngủ trưa, thích sống với con cháu hơn là đến nhà dưỡng lão. Người đàn ông Ikaria rất sung mãn về đời sống tình dục. Rất nhiều người thuộc lứa tuổi U90 vẫn giữ được sinh hoạt này.
Okinawa - quần đảo cận nhiệt đới cách đất liền Nhật Bản khoảng 400 dặm. Ảnh: sakura
Okinawa là một vùng xanh của nước Nhật. Nơi đây, phụ nữ là lớp người sống thọ nhất thế giới. Nói chung, đây là một vùng xanh hiếm có, theo nhà nghiên cứu Dan Buettner, ở Okinawa, số lượng người thọ đến 100 tuổi là không hiếm. Cư dân sống có mục đích, có bạn bè lâu năm và ăn nhiều rau mỗi ngày.
Okinawa là một quần đảo ở giữa Thái Bình Dương và biển Hoa Đông. Những bãi biển cát trắng, biển cả trong xanh và những làn gió mát là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho cư dân ở đây. Điều quan trọng hơn, người dân đã bao đời bảo tồn được tài sản này.
Dân trên quần đảo Okinawa có khoảng 1,4 triệu người. Cứ 100.000 dân thì có 68 người sống trên 100 tuổi.
Trong cuốn sách "Giải pháp vùng xanh", Buettner cho biết, dân Okinawa có tỉ lệ mắc bệnh ung thư, tim mạch bằng với dân Mỹ, còn chứng mất trí nhớ thì ít.
Buettner còn cho biết, trong một tập của loạt tài liệu Netflix "Live to 100: Secrets of the Blue Zones", trong chế độ ăn kiêng của dân Okinawa, ta thấy khẩu phần ăn của họ có thành phần chính là khoai lang tím, đậu phụ và rong biển. Loại khoai lang tím có tên là beni imo chiếm tới 67% khẩu phần ăn của người lớn tuổi.
Đậu phụ ở đây hoàn toàn làm từ đậu nành. Người ta xay đậu nành và ép thành khuôn trước khi luộc (nhiều nơi làm ngược quy trình này), do vậy, đậu phụ ở đây nhiều protein và chất béo lành mạnh.
Dân Okinawa thường nói "Hara hachi bu" để tự nhắc nhở: Dừng ăn trước khi no. Lượng calo trung bình hàng ngày của cư dân nơi đây khoảng 1.900, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của dân Mỹ (3.600 calo).
Những người lớn tuổi ở Okinawa sống theo nguyên tắc "Ikigai" để sống lâu và hạnh phúc (Ikigai bao hàm nghĩa "Sống có mục đích").
Với những người cao niên, Ikigai là một lí do sống của họ như sống có bạn bè thân hữu, sống với lao động làm vườn, trồng hoa hay cây cảnh, sống với nghệ thuật.
Trong cuốn "Ikigai: Bí quyết sống lâu và hạnh phúc của người Nhật", tác giả Hector Garcia đưa ra kết quả phỏng vấn 100 cụ già. Tất cả những người được hỏi đều cho biết, họ sống hướng tới một mục đích và say mê thực hiện mục đích của mình. Làm vườn là một hình thức thể dục phổ biến của cư dân nơi đây.
Giữa biển xanh và nắng gió chan hòa, người dân Okinawa sống khỏe mạnh, xương cốt vững chắc, ít bệnh tật. Hàng ngày, những bữa cơm lành mạnh, có tía tô, ngải cứu, gừng và rong biển, các loại củ quả tươi ngon đã giúp mỗi người dân Okinawa có một thể lực bền vững và một đầu óc thoải mái.
Bí quyết sống của họ có thể ai cũng bắt chước để thực hiện. Vấn đề là, ta có ý muốn làm theo hay không mà thôi.
Sardinia được mô tả là đảo bị lãng quên và cho đến nay vẫn còn khá ít người biết đến. Ảnh: miomyitaly
Sardinia là một hòn đảo thuộc Italia, được mệnh danh là đảo ngọc của Địa Trung Hải. Nước biển quanh năm xanh biếc và những bãi biển cát trắng làm mê li du khách thập phương. Sardinia có cảnh quan và phong tục khác hẳn với mọi vùng đất của nước Ý, cứ như vùng đất Sardinia chưa bao giờ thuộc quốc gia này.
Những công ty du lịch thường mời gọi các du khách đến Sardinia để tận hưởng biển xanh và gió lộng, những dải rừng sồi xanh mượt mà, không khí khoáng đạt, những phiến đá granite tạo nên những hình thù kỳ thú, hải sản ê hề, những ly kem tuyệt vời, và hơn cả là tính cách hồn hậu của cư dân Sardinia.
Đảo Sardinia là khu tự trị của Italia, là vùng đất cổ xưa nhất về mặt địa chất ở châu Âu. Trên đảo có những ngôi nhà thời tiền sử với tên gọi Nur Nuraghi rải rác tại nơi đây. Dân số Sardinia có khoảng 1,6 triệu người, sống trên diện tích 24.090 km². 97% dân số nói tiếng Italia. GDP/ đầu người là 35.032 euro (2021).
Ở Sardinia, cứ khoảng 2.000-3.000 người thì có 6 người sống tới 100 tuổi hoặc hơn. Vùng đất này có tỉ lệ đàn ông sống thọ so với giới phụ nữ. Điều này rất khác với nước Mỹ. Theo số liệu của Dan Buettner, cứ 6 người dân Mỹ sống thọ tới 100 tuổi thì 5 người thuộc nữ giới, 1 người là nam giới.
Những nhà nghiên cứu nhân khẩu học như Valter Longo (Mỹ), Sebastian Piras (Italia)… nhận thấy, dân Sardinia sống thọ hơn nhiều dân tộc khác bởi ở họ có loại rượu vang đặc biệt. Đây là rượu nho Cannonau, có hàm lượng chất chống oxy hóa cao đặc biệt, làm từ loại nho Grenache.
Các chai rượu nho này thường không dán nhãn. Người dân trong những lúc thư giãn, đến các quán rượu, uống Cannonau và trò chuyện vui vẻ. Rượu nho này là một khẩu phần không thiếu được trong bữa ăn chính của dân địa phương.
Uống rượu nho đỏ Cannonau, dân ở đây dùng với lượng vừa phải. Loại rượu này giúp cho con người ngăn ngừa được bệnh tim, giảm stress, cải thiện tuần hoàn máu, giảm nguy cơ đột quỵ, ung thư đường tiêu hóa trên, ung thư phổi và gãy xương hông.
Về ẩm thực, người ta nói dân Sardinia "ăn theo kiểu nông dân". Piras, một người sinh ra tại làng quê Barbagia thuộc Sardinia chia sẻ như sau: Ở khu vực quê anh, thịt là nguyên liệu chính trong chế độ ăn. Đặc sản ở đây là thịt heo sữa, thịt cừu và thịt bò. Rau thường dùng là củ cải, thì là, cần tây, măng tây dại. Các gia đình thường tự chế biến món ăn như mì ống, thịt bò, thịt cừu. Họ không thích thức ăn làm sẵn, đóng hộp.
Song, ăn sạch chỉ chiếm 25% trong các yếu tố trường thọ. Bí quyết quan trọng lại là các bài luyện tập hàng ngày để sống trăm tuổi. Do địa hình dốc, nhiều đồi núi, dân Sardinia sống theo kiểu người chăn cừu, đi bộ nhiều. Đó là một hình thức thể dục tự nhiên hàng ngày, nhiều khi không có tính chủ đích.
Dân Sardinia coi trọng bữa ăn trưa, coi như bữa chính trong ngày. Bữa trưa có khai vị, nhiều món ăn, có tráng miệng. Các món thịt kèm salad, mì ống tự làm và pho mát Pecorino. Dù bận rộn công việc, người lao động luôn về ăn trưa với gia đình. Sau bữa ăn, họ ngủ trưa rồi đi làm tiếp ca chiều.
Bữa sáng và bữa tối đơn giản. Trong bữa sáng có nhiều đồ ngọt, ăn sớm. Bữa tối ăn ít và muộn. Chủ yếu là họ chỉ dùng đồ tươi.
Người Sardinia rất trọng tuổi già. Với những người cao tuổi, họ tạo điều kiện để các bậc cha mẹ già vẫn làm việc trong gia đình, chăm lo vườn cây, nhà cửa và trông nom cháu. Họ coi việc đưa cụ già vào viện dưỡng lão là điều đáng xấu hổ đối với gia đình. Vì thế, các gia đình ở Sardinia thường là gia đình 3 thế hệ. Người già sống thoải mái bên con cháu; Đó là niềm vui cần thiết cho tuổi già và cũng tạo ra yếu tố trường thọ.
Loma Linda, theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "Đồi đẹp". Đây là một thành phố thuộc quận San Bernardino, California (Mỹ), dân số 56.999 người, diện tích 4.810 km², độ cao 399m so với mặt nước biển.
Người dân ở Loma Linda sống lâu hơn dân cư các vùng khác trung bình là 10 năm nhờ một không gian sống xanh, môi trường trong lành, thiên nhiên tươi đẹp, không khí không bị ô nhiễm và ăn uống lành mạnh.
Nhiều cư dân Loma Linda ăn uống với các loại rau quả, các loại hạt, nhất là đậu đen. Bình thường, mỗi người dân ở đây ăn một cốc đậu mỗi ngày, coi đây là một siêu thực phẩm. Họ không kịp ăn những thực phẩm tinh chế, động vật có vỏ và các loại thịt đỏ.
Tờ Los Angeles Times cho hay, thay vì thịt, chợ ở Loma Linda luôn chứa đầy các thùng đậu và ngũ cốc. Căng tin của các trường đại học thực sự là những quán ăn chay. Người vùng này không uống rượu. Những người theo tôn giáo bị cấm dùng nicotine và caffein.
Người dân Loma Linda rất quan tâm đến đời sống cộng đồng. Bữa tối Potluck (mỗi người góp một món ăn nguồn gốc thực vật) để cùng nhau vui vẻ tại nhà thờ.
Trung tâm Thể dục của Đại học Loma Linda mở cửa cho mọi cư dân địa phương, mở ra các chuyên đề về thể dục và chế độ ăn kiêng. Người dân cũng được khuyến khích dành thời gian ở ngoài trời để tận hưởng sự thư giãn đầu óc trong bầu không khí trong lành. Với thứ bảy, dân nơi đây coi là ngày Sabat – ngày nghỉ làm và nghỉ học để phục hồi thể lực và trẻ hóa tâm hồn.
Các chuyên gia sức khỏe ở Loma Linda khuyến khích người dân ăn uống lành mạnh, tập thể dục hàng ngày và kiến tạo ra không gian xanh cho từng gia đình – đó là một vùng xanh nhỏ của mỗi người và gia đình họ như một môi trường sống xanh, không khí trong lành và được thiên nhiên nuôi dưỡng.
Bà Clementina Espinoza, 91 tuổi, chăm sóc khu vườn của mình ở Nicoya, Costa Rica. Espinoza và chồng là Agustin, 100 tuổi sống ở nơi tuổi thọ cao hơn bình thường. Ảnh: travelandleisure
Nicoya là một quận và là một thành phố của Costa Rica với diện tích 310,61 km², dân số 24.833 người. Năm 2006, Viện Lão khoa Quốc gia và Allianz Healthcare đã chỉ định đây là Vùng Xanh.
Quận Nicoya nằm trên một bán đảo dài hơn 120 km, dọc theo bờ biển phía Tây của Costa Rica. Dân vùng này sống lâu hơn mức trung bình toàn cầu. Những cộng đồng dân cư ven biển có nhiều người thọ trên 100 tuổi, cao gấp 3,5 lần so với nhiều nước khác.
Cộng đồng và chính quyền ở đây có ý thức và chính sách để giữ gìn môi trường sống không bị ô nhiễm, thiên nhiên tươi đẹp. Nhiều chuyên gia về tuổi thọ đã nhận định dân ở Nicoya có "Plan de vida" (Kế hoạch cuộc sống), coi đây là chìa khóa của sự trường thọ.
Dân Nicoya ăn nhiều thực phẩm nguyên chất gồm bí, ngô, chuối, đậu, hạn chế dùng thịt trong bữa ăn. Đàn ông ở đây chào buổi sáng bằng cách cưỡi ngựa băng qua những ngọn núi, sau đó thưởng thức bữa ăn sáng gồm gallo pinto (gạo và đậu), bánh ngô tự làm và cà phê.
Theo Forbes, phần lớn thực phẩm của Nicoya đều do họ tự trồng và thu hoạch. Thiên nhiên ban cho dân Nicoya nguồn nước giàu canxi, qua dùng nước để nấu ăn và uống, hàng ngày mỗi người có thể đạt tới lượng canxi được khuyến cáo (1g/ ngày).
Trang Blue Zones cho rằng, nhờ nguồn nước nhiều canxi, dân Nicoya ít mắc bệnh tim mạch, xương chắc khỏe, ít gãy.
Đặc biệt là, cư dân ở đây nổi tiếng ở việc đi bộ đường dài. Dan Buettner cho rằng, đây cũng là yếu tố giúp họ kéo dài tuổi thọ. Cũng giống dân ở các vùng xanh khác, người dân Nicoya thích sống chung với gia đình, ở chung với cha mẹ, ông bà, thích có giấc ngủ trưa để hồi sức lao động đã được dùng vào buổi sáng. Họ có mối liên hệ bạn bè và người thân rất thường xuyên, thay vì vùi đầu vào công việc. Dân Nicoya thường giao lưu, cùng bạn bè gặp gỡ trò chuyện. Họ sống chậm lại để dành thời gian cho những việc thực sự quan trọng.
Cuộc sống ồn ào, bon chen, khói bụi đường phố và xí nghiệp, nền công nghiệp và nông nghiệp thiếu thân thiện với môi trường hoàn toàn đặt ngoài lối sống của dân vùng xanh. Những tập quán sống lành mạnh và ý thức sống vệ sinh vì sự phát triển sức khỏe thể lực và tinh thần, vì sự tồn tại lâu dài, bền vững của cộng đồng là điều kiện cơ bản để tạo nên màu xanh vĩnh cửu của quốc gia.
Nông dân trồng hoa ở Cầu Đất, Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: TTH
Các khu du lịch quy mô nhỏ được bao quanh bởi không gian xanh yên bình ở Cầu Đất, Đà Lạt. Ảnh: TTH